Phân loại Bất_bạo_động

Người chủ trương bất bạo động cho rằng sự đồng thuận và hợp tác là nguồn gốc của quyền lực chính trị: tất cả chế độ chính trị đều phụ thuộc vào sự ủng hộ của người dân.[2] Trên phương diện quốc gia, chiến lược bất bạo động làm suy giảm quyền lực của nhà cầm quyền bằng cách làm cho người dân giảm sút sự đồng thuận và hợp tác. Các dạng bất bạo động dựa trên niềm tin trong tôn giáo hoặc đạo đức và những phân tích chính trị. Bất bạo động dựa trên tôn giáo hoặc đạo đức đôi khi gọi là bất bạo động cơ bản, triết học hoặc đạo đức trong khi đó bất bạo động dựa trên phân tích chính trị thường được gọi là bất bạo động chiến thuật, chiến lược hoặc thực tiễn. Thông thường ở nhiều phong trào và trong tư tưởng cá nhân, có cả hai dạng này.[3]

Bất bạo động triết học

Đức Phật dạy con người không dùng bạo lực.

Thương yêu kẻ thù là một triết lý cơ bản trong bất bạo động triết học. Mục đích của loại bất bạo động này không phải để đánh thắng kẻ thù mà chiến thắng bằng cách tạo ra sự yêu thương và thấu hiểu cho tất cả. Nguyên tắc này cũng tương đồng trong bất bạo động tôn giáo hay bất bạo động tinh thần và là giáo lý chính yếu trong các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham (Hồi giáo, Do Thái giáoCơ Đốc giáo) cũng như các tôn giáo Dharm (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáoTích Khắc giáo) và các đa thần giáo khác. Các phong trào, nhà lãnh đạo hoặc người ủng hộ bất bạo động từng sử dụng nhiều triết lý căn bản trong tôn giáo cho cuộc đấu tranh của họ. Chẳng hạn như triết lý bất bạo động có trong bài giảng trên núi của chúa Giê-su rằng "nên thương yêu kẻ thù", triết lý vô vi trong Đạo giáo, triết lý trong võ thuật Aikido, triết lý từ bi trong Phật giáo và nguyên tắc bất hại đối sinh vật trong Phật giáo, Kỳ Na giáo và vài giáo phái Ấn Độ giáo. Ngoài ra, tư tưởng tha thứ và không bạo lực còn có trong kinh Cô-ran.

Tôn trọng và thương yêu kẻ thù còn có thể làm cho người thực hiện thay đổi hành vi hoặc tư tưởng của họ. Martin Luther King cho rằng "Bất bạo động không chỉ tránh tư tưởng bạo lực bên ngoài (cơ thể) mà còn tránh bạo lực bên trong (tinh thần) nữa. Bạn không những quyết định không bắn một người mà còn quyết định không căm ghét người đó nữa."

Bất bạo động thực tiễn

Bất bạo động thực tiễn tạo nên một phong trào chính trị hay phong trào xã hội có thể tác động làm thay đổi xã hội mà không cần phải chiến thắng những người muốn duy trì tình trạng hiện tại.[4] Trong các xã hội dân chủ hiện đại, các nhóm chính trị sử dụng bất bạo động một cách rộng rãi mà không phải nhờ tới một lực lượng chính trị chính thống chẳng hạn như trong các phong trào đấu tranh cho người lao động, hòa bình, môi trường và quyền phụ nữ. Bất bạo động cũng đóng một vai trò trong việc làm suy giảm quyền lực của chính quyền muốn đàn áp các phong trào ở các nước đang phát triển và các nước Đông Âu trước đây. Susan Ives nhấn mạnh: "Vào năm 1989, 13 quốc gia với tổng dân số 1.695.000.000 người đã trải qua các cuộc cách mạng bất bạo động. Điều này đã vượt ra khỏi sự dự đoán của bất cứ ai một cách không ngờ. Nếu kể thêm các quốc gia có phong trào bất bạo động trong thế kỷ này (như Philippines, Nam Phi, Ấn Độ...), con số lên đến 3.337.400.000 chiếm 65% dân số thế giới. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho những ai cho rằng bất bạo động không có tác dụng thực sự."[5]

Đấu tranh bất bạo động được coi là chính trị quần chúng vì chúng từng được đông đảo quần chúng áp dụng trên khắp thế giới. Những cuộc đấu tranh gắn liền với tư tưởng bất bạo động là chiến dịch bất hợp tác do Mohandas Karamchand Gandhi lãnh để giành độc lập cho Ấn Độ và cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho người Mỹ da đen do Martin Luther King lãnh đạo và cuộc cách mạng Quyền lực Nhân dânPhilippines.

Gandhi sử dụng vũ khí bất bạo động để chống lại sự đô hộ của Anh